"Chào chuyên gia! Chuyên gia cho tôi hỏi, bé nhà tôi đang chuẩn bị tiêm phòng theo lịch hẹn của bác sĩ thế nhưng mấy hôm nay bé lại bị ho. Vậy trẻ sơ sinh bị ho có tiêm phòng được không ạ? Những đối tượng trẻ sơ sinh như thế nào thì không được tiêm phòng ạ? Cảm ơn chuyên gia".
Chuyên gia giải đáp:
"Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Câu hỏi của bạn hiện cũng đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Với tình trạng này của bé nhà bạn chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin như sau:
Trẻ sơ sinh bị ho có tiêm phòng được không?
Trẻ sơ sinh bị ho chủ yếu là do đường hô hấp của con đang bị nhiễm khuẩn. Hầu hết trẻ sơ sinh bị ho cơ thể sẽ rất yếu. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho con thì không nên tiêm phòng cho trẻ, bạn có thể đợi con khỏi hẳn rồi mới cho đi tiêm phòng. Điều này sẽ giúp đảm bảo được sức khỏe cho bé, tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu mũi tiêm phòng này của bé là bắt buộc bạn nên trao đổi với bác sĩ để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Có một số trường hợp trẻ sơ sinh bị ho vẫn có thể tiêm phòng được. Trước khi tiêm, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát cho bé. Nếu bé nhà bạn bị ho, có ngạt mũi nhẹ nhưng không có biểu hiện sốt thì vẫn có thể tiêm phòng được. Còn nếu bé nhà bạn bị sốt cao trên 38°C buộc phải lùi mũi tiêm phòng này đến khi sức khỏe của bé ổn định trở lại để tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Một điều cần hết sức lưu ý là nếu bé nhà bạn bị ho do hen suyễn thì phải hết sức thận trọng với lần tiêm vacxin ngừa cúm đầu tiên trong mỗi năm. Bởi vacxin này có thể khiến cho tình trạng hen suyễn của bé trở nên trầm trọng hơn.

Những trường hợp cần hoãn tiêm phòng
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý nếu trẻ thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì cần hoãn việc tiêm phòng:
Vùng da tại vị trí chuẩn bị tiêm chủng của trẻ bị viêm, mưng mủ, mẩn ngứa: Nếu trẻ gặp phải tình trạng trên nên dời lịch tiêm, đợi đến khi vùng da của bé phục hồi mới tiến hành tiêm vacxin.
Trẻ sơ sinh sốt trên 37,5°C: Lúc này phụ huynh cần phải tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị sốt và cần hoãn việc tiêm chủng. Sau khi tiêm chủng, trẻ sẽ có phản ứng sốt do vậy nếu tiêm khi trẻ đang sốt sẽ làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng sốt xảy ra ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu của một số bệnh như sởi, cúm, viêm phổi, viêm gan… Nếu tiêm phòng cho trẻ trong trường hợp này sẽ làm bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn.
Trẻ sơ sinh đang bị mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc trẻ đang trong thời gian phục hồi sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm chưa đầy 2 tuần.

Một số trường hợp không nên cho trẻ sơ sinh tiêm phòng gồm có:
Trẻ sơ sinh mắc các bệnh có liên quan đến thần kinh như tâm thần, động kinh, trẻ có não bộ chậm phát triển.
Những trẻ em mắc các bệnh tim, phổi, gan… thường có thể chất rất yếu, khó có thể chịu đựng được các phản ứng sau khi tiêm vacxin. Vì vậy không nên tiêm phòng cho các đối tượng này.
Trẻ sơ sinh có thể chất quá nhạy cảm, bị mề đay, hen suyễn và thường xảy ra dị ứng khi tiêm phòng cũng không nên tiêm vacxin.
Những trẻ có hệ thống miễn dịch kém do bẩm sinh cũng không nên tiêm phòng.
Như vậy, qua các phân tích ở trên nếu hiện tại mũi tiêm phòng của bé có thể lùi lịch tiêm, tốt nhất bạn nên để sức khỏe của bé ổn định, triệu chứng ho chấm dứt mới nên cho bé tiêm phòng".