Trẻ sơ sinh bị ho: nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày đăng: 31/03/2022
Mục lục [ Ẩn ]

Trẻ sơ sinh bị ho là vấn đề có thể gặp phải khiến nhiều mẹ bỉm sữa lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến trẻ bị ho? Ho có thể là biểu hiện bệnh gì? Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị ho và biện pháp phòng ngừa như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho?

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho

Trẻ sơ sinh bị ho có thể do nhiều nguyên nhân, cụ thể như sau:

Nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới

- Nhiễm trùng đường hô hấp trên:

Cơ quan hô hấp trên của trẻ bao gồm: tai, xoang mũi, họng thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài. 

Khi có sự tấn công của vi rút, vi khuẩn tới đường hô hấp trên, cộng với việc hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, tăng tiết dịch nhầy ở vùng xoang mũi hoặc tai và chảy xuống cổ họng khiến, gây kích thích trung tâm phản xạ ho ở trẻ nhỏ.

- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới:

Cơ quan hô hấp dưới của trẻ bao gồm: khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới của trẻ thường do vi rút, vi khuẩn tấn công gây nên các bệnh lý như: viêm phổi, viêm phế quản… đặc biệt nguy hiểm ở những trẻ có hệ sức đề kháng kém. Các bệnh lý này thường kích thích phản xạ ho ở trẻ sơ sinh nhằm tống đẩy tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ quan hô hấp.

Dị ứng với môi trường bên ngoài

Môi trường bên ngoài (thời tiết, không khí, nguồn nước) có ảnh hưởng rất lớn tới hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi thời tiết thay đổi (thời điểm giao mùa, lạnh đột ngột hoặc nồm ẩm), không khí ô nhiễm sẽ điều kiện thuận lợi khiến cho nhiều loại vi rút, vi khuẩn phát triển và thâm nhập vào đường hô hấp của trẻ và gây ra phản ứng ho của cơ thể. 

Ngoài ra, một số tác nhân như: phấn hoa, lông chó mèo, bụi nhà, vỏ chăn gối, mùi hương quần áo… cũng khiến trẻ bị viêm mũi dị ứng và tăng nguy cơ bị ho. 

Trẻ bị ho do dị ứng thời tiết
Trẻ bị ho do dị ứng thời tiết

Hẹp đường thở

Một số trẻ sơ sinh bị hẹp khí phế quản bẩm sinh hoặc hẹp đường thở do biến chứng của các bệnh lý đường hô hấp như hen phế quản, viêm phổi… gây cản trở hoạt động hô hấp ở bé, càng dễ làm cho bé bị ho hoặc khó thở.

Nguyên nhân hiếm gặp khác

Một số “thủ phạm” hiếm gặp khác cũng làm tăng phản xạ ho ở trẻ sơ sinh như: suy tim, dị tật bẩm sinh ở đường thở, gặp vấn đề bất thường ở mạch máu vùng lồng ngực…

Trẻ sơ sinh bị ho là biểu hiện của bệnh gì?

Trong nhiều trường hợp, biểu hiện ho ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý như sau:

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường do vi rút hợp bào hô hấp (RSV) gây ra, làm tăng sản xuất chất nhầy và gây ra cơn co thắt phế quản. Khi trẻ mắc bệnh lý này thường có biểu hiện ho, khó thở, thở khò khè, bỏ bú hoặc bú kém. 

Do vậy, trẻ bị ho có thể đang mắc viêm tiểu phế quản, nếu không được chữa trị đúng cách có thể gây ra suy hô hấp và thậm chí đe dọa tới tính mạng. 

Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản gây ho ở trẻ sơ sinh

Viêm phổi

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị viêm phổi là do sự tấn công của các loại vi khuẩn như: vi khuẩn Gram âm, Coli, Listeria hoặc thai nhi bị thiếu dưỡng khí. Quá trình nhiễm trùng phổi ở trẻ có thể xảy ra vào thời điểm còn đang trong bụng mẹ, trong lúc chuyển dạ (trẻ hít phải phân su, nước ối hoặc dịch tiết đường sinh dục của người mẹ) hoặc sau khi chào đời. 

Ho gà

Thêm một bệnh lý khác có triệu chứng ho nhiều ở trẻ sơ sinh đó chính là ho gà, khi đó trẻ thường bị ho rũ rượi, kèm theo thở rít giống tiếng rít vùng cổ gà. Đặc biệt có thể xuất hiện các cơn ngừng thở ngắn, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động và chức năng não bộ và nhiều cơ quan

Hen suyễn

Ho cũng là triệu chứng của bệnh hen suyễn, tuy nhiên bệnh lý này ít khi gặp ở trẻ sơ sinh. Trong bệnh hen suyễn thường xuất hiện tình trạng viêm, tăng tiết nhiều đờm dẫn đến tình trạng ho nhiều ở trẻ sơ sinh.

Bệnh Covid-19

Ho dai dẳng, ho dữ dội kèm theo sốt cao có thể là dấu hiệu cho thấy bé nhiễm bệnh Covid-19, việc chuẩn đoán lấy dịch mũi họng ở trẻ sơ sinh đôi khi sẽ gặp nhiều khó khăn do bé chưa nhận thức được. Vì vậy, để phát hiện kịp thời và giảm biến chứng nguy hiểm của bệnh, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán và nhận được sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Các biện pháp giúp trẻ giảm ho

Cho trẻ bú đủ sữa là một trong những biện pháp giúp trẻ giảm ho
Cho trẻ bú đủ sữa là một trong những biện pháp giúp trẻ giảm ho

Để giúp bé nhanh khỏi ho, mẹ có thể tham khảo các biện pháp như sau:

Cho bé bú đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu. Do vậy, khi bé bị ho, mẹ vẫn chú ý bổ sung cho trẻ đầy đủ sữa để tăng cường sức đề kháng, tạo điều kiện cho con sớm khỏi ho và chữa lành tổn thương niêm mạc đường hô hấp trên.

Với những bé đang bú mẹ, người mẹ rất cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để chuyển hoá thành dòng sữa đảm bảo chất lượng tốt cho con bú. Những nhóm thực phẩm mà mẹ nên ăn để tăng chất lượng và số lượng sữa mẹ là:

  • Tinh bột: gạo tẻ, gạo lứt, yến mạch, ngô, khoai lang.

  • Chất đạm: thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá hồi, trứng.

  • Chất béo: sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai), bơ, dầu ăn, cá chép, cá trắm.

  • Vitamin và khoáng chất: rau ngót, rau cải, măng tây, cam quýt, dưa hấu, dưa chuột

  • Axit béo Omega-3: hạt óc chó, cá cơm, đậu nành, hạt lanh, hạt chia.

Theo dõi nhịp thở của trẻ

Trong trường hợp ho đi kèm với khó thở, hoặc ngưng thở và là dấu hiệu bệnh lý khác, mẹ nên theo dõi nhịp thở của bé để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Chỉ số nhịp thở bình thường ở trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là 40-60 lần/phút và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi là 30-40 lần/phút. 

Để theo dõi nhịp thở, cha mẹ có thể vén áo của con qua lồng ngực, đếm số lần ngực bé nhấp lên hạ xuống trong vòng 1 phút (cứ mỗi lần ngực bé nhấp lên hạ xuống thì tính là 1 nhịp thở). Nên đếm số nhịp thở khoảng 3 lần liên tiếp để theo dõi chính xác hơn.

Ba mẹ nên theo dõi nhịp thở của con nếu trẻ bị ho và khò khè
Ba mẹ nên theo dõi nhịp thở của con nếu trẻ bị ho và khò khè

Khi nào nên đưa trẻ bị ho đến bệnh viện

Triệu chứng ho ở trẻ sơ sinh có thể diễn biến nguy hiểm, cần được đưa ngay tới bệnh viện cấp cứu và điều trị khi xảy ra trường hợp như:

  • Trẻ bị suy dinh dưỡng, thể trạng yếu ớt hoặc sinh non trước 3 tuần cần được sự chăm sóc đặc biệt.

  • Khó thở, thở khò khè hoặc không bú được một cách bình thường.

  • Ho nhiều trong quá trình bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức.

  • Ho dữ dội và lặp đi lặp lại nhiều lần khiến trẻ không thở được, hoặc chảy nước mũi có màu xanh.

  • Ho quá mức dẫn đến nôn mửa, nôn khan.

  • Ho kéo dài trên 10 ngày mà không thuyên giảm, bỏ bú trong thời gian dài hoặc chảy nước dãi không kiểm soát được.

Cách phòng ngừa ho ở trẻ sơ sinh

Để phòng ngừa ho ở trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể tham khảo các biện pháp như sau:

Cách phòng ngừa ho ở trẻ sơ sinh
Cách phòng ngừa ho ở trẻ sơ sinh

Vệ sinh đường hô hấp trên của trẻ 

Mẹ có thể dùng khăn giấy mềm để lau sạch mũi cho con, sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ vào từng bên mũi, đồng thời dùng dụng cụ hút mũi cho trẻ sơ sinh để loại bỏ dịch mũi. Cuối cùng, mẹ lấy tăm bông loại sạch khô để thấm hút phần dịch mũi còn sót lại bên trong mũi của trẻ.

Tuy nhiên, không nên sử dụng nước muối quá nhiều để làm sạch mũi vì có thể làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.

Bảo vệ cơ thể trẻ khi thời tiết giao mùa

Khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, mẹ cần luôn giữ ấm toàn bộ cơ thể trẻ, đặc biệt chú ý phần cổ lưng, chân tay để phòng nhiễm lạnh có thể khiến cho trẻ ho.

Ngược lại, khi thời tiết chuyển sang mùa hè nóng nực, mẹ cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi. Hạn chế cho bé nằm điều hoà với nhiệt độ quá lạnh, bởi vì có thể khiến lớp niêm mạc vùng hầu họng bị khô và tổng thương, tăng nguy cơ trẻ bị ho.

Làm sạch không gian sống của trẻ

Không gian nơi bé sinh sống quá bụi bẩn, nhiều chất gây kích ứng đường hô hấp (phấn hoa, bụi bẩn, lông thú cưng…) cũng có thể khiến trẻ sơ sinh bị ho dị ứng. Do vậy, mẹ nên thường xuyên làm vệ sinh phòng của bé, đưa thú cưng hoặc con vật cách xa nơi ở của bé.

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh có liên quan đường hô hấp

Hệ thống miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa được phát triển hoàn thiện, do đó khi trẻ tiếp xúc gần với người đang mắc các bệnh truyền nhiễm liên quan đến đường hô hấp (cảm cúm, viêm xoang, Covid-19, viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi…) thì nguy cơ trẻ bị lây nhiễm rất cao nếu không có biện pháp phòng ngừa.

Khi bé mắc các bệnh lý trên, đường hô hấp trên của trẻ dễ xuất hiện tình trạng viêm, gây ra triệu chứng: ho, khản tiếng, sốt cao, chảy nước mũi… Do đó, mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nêu trên và cần nhắc nhở mọi người xung quanh không hôn, nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ nhỏ nếu có biểu hiện bệnh về hô hấp.

Tiêm vắc xin phòng bệnh hô hấp cho trẻ

Tiêm vắc xin phòng bệnh hô hấp cho bé
Tiêm vắc xin phòng bệnh hô hấp cho bé

Một số bệnh về đường hô hấp của trẻ có thể được phòng ngừa từ sớm nếu được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều như: bệnh ho gà, cúm, viêm phổi… Mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng uy tín của nhà nước để được bác sĩ thăm khám và đưa ra kế hoạch tiêm phòng phù hợp.

Trên đây là toàn bộ thông tin về trẻ sơ sinh bị ho mà cha mẹ cần biết, hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho phụ huynh những kiến thức hữu ích liên quan đến vấn đề này. Chúc con sớm khỏi ho và khoẻ mạnh nhé.
 

Xếp hạng: 5 (2 bình chọn)

Đặt mua Avisure DHA

Điểm bán
Giỏ hàng