“Chu kỳ mang thai của phụ nữ bao nhiêu tuần?” - Thắc mắc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải mẹ bầu nào cũng biết chính xác câu trả lời. Để có được đáp án chính xác nhất, mẹ bầu cần biết chính xác thời điểm thụ thai cũng như tốc độ phát triển của thai nhi trong bụng. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời mẹ bầu nhé!
Chu kỳ thụ thai của phụ nữ
Chu kỳ thụ thai của phụ nữ được chia thành 2 giai đoạn:
Quá trình thụ thai
Sự thụ thai là sự kết hợp giữa một trứng (ở phụ nữ) và một tinh trùng (ở đàn ông). Đây là bước khởi đầu trong một chuỗi phức tạp của những sự kiện dẫn đến việc mang thai. Sự thụ thai thường xảy ra ở ống dẫn trứng. Trong một vài ngày tiếp theo, trứng đã được thụ tinh di chuyển từ ống dẫn trứng đến lòng tử cung và làm tổ, bắt đầu quá trình phát triển.

Chu kỳ mang thai bao nhiêu tuần
Chu kỳ mang thai của người phụ nữ thường kéo dài trong khoảng 40 tuần (280 ngày). Theo quy ước, quá trình này được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Tuy nhiên, một chu kỳ mang thai bình thường thì kéo dài ít nhất là 37 tuần đến nhiều nhất là 42 tuần (259-294 ngày). 40 tuần của thai kỳ được chia ra làm ba tam cá nguyệt, mỗi tam cá nguyệt kéo dài khoảng 12-13 tuần (khoảng 3 tháng).
Vậy mẹ có biết về sự phát triển và cân nặng của bé thay đổi như thế nào trong hành trình 40 tuần mang thai không? Cùng đọc tiếp để hiểu rõ hơn mẹ nhé!
Chu kỳ thai nhi phát triển
Ba tháng đầu thai kỳ
Đây là thời điểm rất nhạy cảm của thai nhi. Trong giai đoạn này, các cơ quan quan trọng của thai nhi sẽ bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, nhiều mẹ lại không phát hiện ra là mình đang mang thai. Do đó, việc phát hiện có thai sớm sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ sinh con khỏe mạnh.

Cân nặng của thai nhi trong giai đoạn này có liên quan mật thiết với sức khỏe và sự phát triển của bé. Từ tuần thứ 8 trở đi, khi siêu âm, bác sĩ sản khoa có thể cho bạn biết chiều dài đầu mông của thai nhi dựa vào kết quả đo được. Tuy nhiên, vì thai nhi bị uốn cong nên rất khó để đo chính xác về cân nặng và chiều dài của bé.
Dưới đây là bảng cân nặng và chiều dài của thai nhi 3 tháng đầu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO năm 2019. Mẹ có thể tham khảo để có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi cũng như tập luyện cho phù hợp.

Ba tháng giữa thai kỳ
Ba tháng giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai) là giai đoạn từ tuần thứ 13 đến 27 của thai kỳ. Đây là giai đoạn thai nhi phát triển mạnh về cả hình dạng cũng như cấu trúc của não bộ và mẹ cũng bắt đầu cảm nhận được những chuyển động của thai nhi. Cân nặng là một yếu tố quan trọng giúp đánh giá tình hình sức khỏe của thai nhi trong 3 tháng giữa.
Cân nặng của thai nhi trong giai đoạn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Yếu tố di truyền: Cân nặng của mỗi thai nhi từ khi mới hình thành đã có sự khác nhau đôi chút do ảnh hưởng của gen di truyền.
- Vóc dáng của thai phụ trước khi có bầu.
- Tuổi của bà bầu.
- Chế độ dinh dưỡng thai kỳ.
- Cân nặng của mẹ trong thời kỳ mang thai.
- Yếu tố khác: bệnh lý từ mẹ, số lượng thai trong bụng mẹ,...
Tuy cân nặng thai nhi ở 3 tháng giữa thai khi có thể khác nhau đôi chút nhưng vẫn có những tiêu chuẩn chung giúp cho bác sĩ và mẹ dễ dàng hơn trong việc đánh giá sự phát triển của thai nhi. Bảng cân nặng và chiều dài thai nhi được cập nhật năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một trong những tiêu chuẩn được tham khảo rộng rãi:
Tuần thứ 13 | 7.4 cm | 23 g |
Tuần thứ 14 | 8.7 cm | 43 g |
Tuần thứ 15 | 10.1 cm | 70 g |
Tuần thứ 16 | 11.6 cm | 100 g |
Tuần thứ 17 | 13 cm | 140 g |
Tuần thứ 18 | 14.2 cm | 190 g |
Tuần thứ 19 | 15.3 cm | 240 g |
Tuần thứ 20 | 16.4 cm | 300 g |
Tuần thứ 21 | 25.6 cm | 360 g |
Tuần thứ 22 | 27.8 cm | 430 g |
Tuần thứ 23 | 28.9 cm | 501 g |
Tuần thứ 24 | 30 cm | 600 g |
Tuần thứ 25 | 34.6 cm | 660 g |
Tuần thứ 26 | 35.6 cm | 760 g |
Tuần thứ 27 | 36.6 cm | 875 g |
Bảng cân nặng thai nhi 3 tháng giữa thai kỳ của WHO
Ba tháng cuối thai kỳ
Ba tháng cuối thai kỳ (quý cuối, tam cá nguyệt thứ ba) bắt đầu từ tuần thứ 27 cho đến khi kết thúc thai kỳ. Khi kết thúc 3 tháng giữa thai kỳ, các cơ quan và các phần của cơ thể thai nhi đã hình thành và hoạt động. Trong quý cuối này, chúng tiếp tục phát triển và hoàn thiện.
Trong giai đoạn này, bé bắt đầu sử dụng các giác quan như khả năng nghe và nhìn. Mắt của bé lúc này có thể nhận biết được những luồng ánh sáng mạnh. Đồng thời, em bé có thể nghe và nhận ra được giọng nói của mẹ, cũng như chuyển động theo điệu nhạc.
Đây cũng là khoảng thời gian thai nhi tăng cân mạnh nhất để chuẩn bị cho quá trình chào đời. Mẹ có thể tham khảo bảng cân nặng và chiều dài thai nhi trong 3 tháng cuối của Tổ chức Y tế thế giới WHO (cập nhật năm 2019) dưới đây:
Tuần 24 | 30 cm | 600 g |
Tuần 25 | 34.6 cm | 660 g |
Tuần 26 | 35.6 cm | 760 g |
Tuần 27 | 36.6 cm | 875 g |
Tuần 28 | 37.6 cm | 1005 g |
Tuần 29 | 38.6 cm | 1153 g |
Tuần 30 | 39.9 cm | 1319 g |
Tuần 31 | 41.1 cm | 1502 g |
Tuần 32 | 42.4 cm | 1702 g |
Tuần 33 | 43.7 cm | 1918 g |
Tuần 34 | 45 cm | 2146 g |
Tuần 35 | 46.2 cm | 2383 g |
Tuần 36 | 47.4 cm | 2622 g |
Tuần 37 | 48.6 cm | 2859 g |
Tuần 38 | 49.8 cm | 3083 g |
Tuần 39 | 50.7 cm | 3288 g |
Tuần 40 | 51.2 cm | 3462 g |
Bảng cân nặng thai nhi từ tuần 24 đến 40 của WHO
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng khiến cân nặng của bé khác đôi chút so với bảng cân nặng và chiều dài trên. Vì vậy, nếu cân nặng của thai nhi có cao hoặc thấp hơn so với tiêu chuẩn chung thì mẹ cũng đừng vội lo lắng mà hãy đến gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn.
Hy vọng bài viết trên đã giúp mẹ bầu giải đáp được thắc mắc “Chu kỳ mang thai của phụ nữ bao nhiêu tuần?”. Chúc mẹ luôn luôn khỏe mạnh và có cuộc vượt cạn thật thành công!